Chuyện chưa biết về mỹ phẩm việt nam


"Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động hợp tác với Chính phủ, làm cho Chính phủ thấy doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng đưa ngành mỹ phẩm trở thành ngành kinh tế quan trọng, nên cần sớm xây dựng chiến lược phát triển. Mặt khác, doanh nghiệp hãy tích cực chứng minh luôn đem đến cho người tiêu dùng trong nước những gì họ mong muốn và thị trường mỹ phẩm Việt Nam sẽ là thị trường của các doanh nghiệp trong nước".
Trên đây là ý kiến của bà Lê Châu Giang, phó chủ tịch hiệp hội mỹ phẩm Singapore kiêm giám đốc pháp chế của Johnson & Johnson Asia Pacific trong hội thảo “Xu hướng thị trường mỹ phẩm châu Á” do hội Mỹ phẩm TP.HCM tổ chức ngày 23.8.2012.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ tịch hội Hóa mỹ phẩm TP.HCM nhìn nhận doanh nghiệp trong nước nắm bắt nhanh những cơ hội thị trường, 430 doanh nghiệp ngành hóa mỹ phẩm trụ được ngay trong những năm kinh tế thế giới khó khăn và phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm ngoại nhập là một nỗ lực lớn. 
Ngay cả những qui định loại bỏ các chất cấm để bảo vệ người tiêu dùng theo qui định chung của khu vực và thế giới và thực hiện đầu tư sản xuất theo qui chế GMP cũng được một số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thành công. 
Nhiều thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam đã nằm trong tâm thức của người tiêu dùng như Mỹ phẩm Sài Gòn, Lana, Familiar,... Tuy nhiên, sự tăng trưởng chung của thị trường mỹ phẩm Việt Nam còn thấp so với những nước trong khu vực có cùng nền tảng hạ tầng kinh tế.
Bà Châu Giang phân tích thêm, thị trường mỹ phẩm thế giới đang tăng trưởng nhanh khi người dân ở rất nhiều quốc gia đều mong muốn làm đẹp bản thân. Năm 2011, doanh thu mỹ phẩm thế giới đạt tới 313 tỷ USD, dẫn đầu là các sản phẩm chăm sóc da. 
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ, châu Âu rơi vào khủng hoảng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương thu hút sự quan tâm, nhất là với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia. 
Khoảng 5 năm qua, ngành mỹ phẩm khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng 11%/năm, năm 2011 đóng góp 40% tổng doanh thu cho ngành mỹ phẩm toàn cầu, mức này trong tương lai được dự báo còn cao hơn. 
Các doanh nghiệp Việt Nam, mới tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm, vì sao chưa cao trong khi Việt Nam được các doanh nghiệp thương hiệu mỹ phẩm lớn của nước ngoài đánh giá là thị trường dễ tăng trưởng doanh thu?
Năm 2011, mức tăng trưởng chung của ngành mỹ phẩm trong Asean là 8,7% so năm 2010. Dân số Việt Nam đông hơn Thái Lan, riêng Hà Nội hay TP.HCM dân số đã nhiều hơn cả Singapore. 
Việt Nam có khoảng 430 doanh nghiệp ngành hóa mỹ phẩm, Indonesia có khoảng 700 doanh nghiệp, Thái Lan có hơn 600 doanh nghiệp. Việt Nam tuy tăng trưởng 12,9%, nhưng chỉ chiếm 5,2% tổng doanh thu mỹ phẩm của Asean, trong khi Singapore chiếm 7,8%, Thái Lan tăng 29,1%, Indonesia 24,4%. 
Thị trường Việt Nam lớn hơn, nhưng vì sao doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết? Bà Giang bác bỏ ý kiến cho rằng hội nhập kinh tế khu vực và thế giới làm mất cơ hội cho doanh nghiệp trong nước khi thị trường ngày càng mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vì doanh nghiệp các nước Thái Lan, Indonesia, Singapore minh chứng họ tận dụng cơ hội nhiều hơn than phiền khó khăn.
Chính doanh nghiệp nên lập qui hoạch cho ngành
Theo bà Giang, doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực làm ra sản phẩm tốt, chinh phục được người tiêu dùng, nhưng khi nào doanh nghiệp chưa làm cho Chính phủ nhìn thấy đây thực sự là ngành thương mại lớn hiện nay và trong tương lai thì ngành mỹ phẩm Việt Nam vẫn còn đi sau các nước. 
Hội nhập kinh tế toàn cầu không nước nào tránh khỏi và nó buộc doanh nghiệp phải vận động chứ không thể trông chờ sự bảo hộ của Chính phủ, bắt Chính phủ phải lèo lái cho ngành mình bởi tất cả những rào cản thương mại, thuế quan, luật phải theo nguyên tắc quốc tế. 
Hiện nay, các chính sách cho ngành hóa mỹ phẩm được ban hành thường chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất mà hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được là chủ động thiết lập sự hợp tác với Chính phủ. 
Hiệp hội doanh nghiệp mỹ phẩm phải làm sao cho Chính phủ biết được những lo lắng cũng như quan tâm của doanh nghiệp để khi xây dựng chính sách hay chuẩn bị đàm phán các hiệp định thương mại thì Chính phủ sẽ tạo ra những cơ hội thật sự cho doanh nghiệp. 
Chẳng hạn, hiện nay mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chịu thuế cao, nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm cũng chịu thuế cao. Những nguyên liệu để tạo nên công thức mỹ phẩm, doanh nghiệp Việt Nam còn phải nhập khẩu đến 70%. 
Nếu lúc này Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu, có thể giúp doanh nghiệp cạnh tranh về giá để đến năm 2015, khi Asean hướng tới cộng đồng kinh tế chung, thì mỹ phẩm sản xuất ở Việt Nam đã phát triển vững trên thị trường nội địa và đi vào thị trường các nước Asean thuận lợi. 
Kinh nghiệm thành công ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… là trong những đoàn đàm phán các hiệp định thương mại của Chính phủ luôn có mặt đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Bà Giang đề nghị hiệp hội doanh nghiệp mỹ phẩm nên chủ động là người đưa ra qui hoạch tổng thể về ngành mỹ phẩm trong 5 – 10 năm tới, giúp chính phủ hiểu rằng ngành mỹ phẩm đang muốn đi đến đích nào trong thị trường nội địa và xuất khẩu để chính phủ theo đó phê duyệt qui hoạch và hoạch định chính sách. 
Khi doanh nghiệp lập được qui hoạch cho ngành mình và quyết tâm đạt được những mục tiêu, chinh phục được người tiêu dùng thì Chính phủ không có lý do gì không tin vào khả năng của doanh nghiệp, triển vọng tăng trưởng của ngành để cần có chính sách cho phát triển đúng như doanh nghiệp mong đợi.
Theo CÁC NGỌC/SGTT
Share on Google Plus

About Phạm Thu Hương

Trang thông tin chia sẻ kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp, nhân sự...
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét